Ảnh minh họa. Nguồn: biosom.com.br
Ảnh minh họa. Nguồn: biosom.com.br
Hàng ngày, bà Lê Thị Hoa trú tại ngõ Hòa Bình 7 (Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đều phải băng qua đường Minh Khai để đi chợ sáng tại ngõ Gốc Đề. Không giống những người khác, hành trang đi chợ của bà Hoa không chỉ có chiếc làn mà còn thêm cả những vật dụng khác ở tay bên cạnh.
Một tay cầm làn, một tay cầm gậy khua khua lên cao để thu hút sự chú ý của các phương tham gia giao thông… những hành động tưởng như kỳ lạ này lại đang giúp bà Hoa có thể sang đường thuận tiện và an toàn hơn.
Hỏi ra mới biết, tuyến đường Minh Khai từ khi được đưa vào sử dụng, đường to đẹp, các phương tiện đi rất nhanh. Cùng với đó, là thói quen sang đường của người dân dẫn đến tình trạng TNGT giữa người đi bộ và các phương tiện khác liên tục xảy ra trong thời gian qua.
Bà Hoa cho biết: “Sáng ra từ sau 7h đường bắt đầu đông nhiều lắm. Giờ tan làm cũng đông. Để sang đường thì lâu lắm, không thể vội được, cứ phải nhìn xe vãn hết mới dám đi. Tất nhiên đông thì sợ nhưng việc đi thì vẫn phải đi…”
Còn theo chị Lê Thị Hương, một phụ huynh thường xuyên phải đưa con đi học qua đoạn đường này cho biết, nếu trong giờ cao điểm, đoạn đường này rất đông xe, muốn qua đường phải chờ đợi rất mất thời gian.
Thế nhưng vào các khung giờ khác trong ngày, lượng phương tiện vắng hơn, tốc độ đi cũng nhanh hơn, không có biển cảnh báo nên rất dễ xảy ra tại nạn cho người đi bộ qua đường: “Từ lớp 1 đến bây giờ, trường ở gần nhà nhưng vẫn đưa đón bình thường, nói tóm lại là 12 năm học. Ở nhà cũng có xe để không nhưng mà không dám cho con đi. Nhiều lúc sang đường, rõ ràng mình có nhìn trước nhìn sau nhưng lại bị tông vào. Đoạn đường này nhiều tai nạn cho nên lại càng thấy sợ”.
Theo ghi nhận của phóng viên, con đường Minh Khai nằm trong Tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên dài gần 2km nối từ phố Đại La đến chân cầu Vĩnh Tuy. Do đây là tuyến đường mới với 10 làn xe chạy, các phương tiện có xu hướng đi khá nhanh. Thêm vào đó, dọc hai bên tuyến đường là địa bàn dân cư sinh sống, nhiều cửa hàng, trường học người dân qua lại 2 bên đường rất nhiều, đặc biệt vào các khung giờ học sinh tan học nên rất dễ xảy ra TNGT.
Theo ông Trần Minh Tiến (một người dân trú tại Minh Khai) chia sẻ, mỗi ngày ngày ông phải đi tắt ngang qua dải phân cách 5-6 lần, thế nhưng mỗi lần đều là 1 trải nghiệm đáng sợ: “Phải có con đường cho người ta đi bộ sang, kia là chung cư, đây là trường học, có nhu cầu qua lại. Các cháu đi học, học sinh có phụ huynh đi qua đưa đón là phải đi qua đi lại, cháu nó bé, cấp 1 mà đường như thế này đi làm sao được.
Người lớn còn sợ huống gì trẻ con, dắt từ từ, chờ vãn xe mới sang được chứ không thể sang ào ào. Kinh khủng lắm. Từ chỗ đầu cầu Vĩnh Tuy cho đến chỗ Ngã Tư Sở, hầu như không có một cây cầu vượt nào để qua đường. Không có gì cả, không có biển báo hay vạch kẻ đường, đi rất kinh khủng, nhất là buổi tối. Phải có gờ giảm tốc hoặc bắt buộc phải giảm tốc độ”.
Đây chỉ là 1 trong những bài biết Kênh VOV Giao thông phản ánh về tình trạng mất ATGT tại tuyến đường vành đai 2. Thế nhưng đến nay, tuyến đường dường như chỉ phục vụ cho các phương tiện cơ giới mà gần như “bỏ quên” nhu cầu của người đi bộ.
Câu chuyện về cụ bà phải dùng gậy để ra hiệu khi sang đường hay học sinh không dám qua đường nếu không có người hỗ trợ chỉ là một trong hàng ngàn người dân phải tham gia giao thông, đặc biệt là người đi bộ cắt ngang qua đường trên tuyến vành đai 2.
Mới đây, Sở GTVT Hà Nội đề xuất làm 29 cầu vượt bộ hành, trong đó có cầu vượt gần vị trí này, là động thái hết sức cấp thiết. Thế nhưng, trong thời gian để cầu vượt có thể đưa vào sử dụng, thì người dân hàng ngày vẫn phải đối mặt với nguy hiểm trực chờ….
Cả năm quanh quẩn trong ao hồ, chỉ đến mùa mưa lũ cá mới được đi du lịch ngắm cảnh phố phường hoa lệ.